Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

HỒI HỘP-ĐÁNH TRỐNG NGỰC

Ðánh trống ngực là gì ?
Ðánh trống ngực là một cảm giác hồi hộp khó chịu ở lồng ngực, thường gặp khi tim đập loạn nhịp hay khi tim đập mạnh hơn bình thường. Ðôi khi người ta không tìm được bất thường nào ở tim của người có triệu chứng này - lí do đánh trống ngực của họ vẫn còn chưa được biết. Ở một số bệnh nhân khác, chính loạn nhịp tim là nguyên nhân gây cảm giác hồi hộp này.
Loạn nhịp tim chỉ những nhịp đập bất thường của tim, như nhịp quá chậm, nhịp quá nhanh, nhịp không đều, nhịp đến sớm. Nhịp nhanh khi tim đập nhanh hơn 100 lần / phút, ngược lại nhịp chậm khi tim đập chậm hơn 60 lần / phút. Tim đập loạn nhịp còn được gọi là rung tim (ví dụ rung nhĩ). Một nhịp tim đến sớm hơn bình thường thì đó là một lần bóp sớm của tim (còn được gọi là ngoại tâm thu).
Các nguyên nhân gây loạn nhịp tim được biết là : các rối loạn của tâm nhĩ hoặc tâm thất, bất thường của nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất.
Tim có bốn phần chính, đó là bốn buồng tim. Hai buồng tim nằm trên, là hai tâm nhĩ, hai buồng tim nằm dưới là hai tâm thất. Trong đó, nhĩ phải nhận máu từ hệ tĩnh mạch của cơ thể để đưa vào tâm thất phải sau đó thất phải tiếp tục bơm máu này lên phổi, nhĩ trái nhận máu đỏ mang oxy từ phổi rồi bơm vào thất trái, thất trái lại đưa máu này cung cấp cho toàn cơ thể.
Trong tim có một hệ thống phát nhịp và dẫn truyền riêng hoạt động dưới tác dụng của hệ thần kinh tự động, gồm nút xoang, nút nhĩ thất, và các bó cơ tim biệt hóa riêng để làm nhiệm vụ dẫn truyền. Nút xoang chính là nút dẫn nhịp của tim nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang phát xung điện, xung này truyền đến nhĩ và thất để kích thích cơ tim co thắt (gây ra một lần đập của tim). Nút nhĩ thất là một phần cơ tim biệt hóa chuyên biệt, hoạt động như một "trạm nghỉ" của xung điện khi đi từ nhĩ đến thất. Các xung điện từ nút xoang và từ nhĩ muốn đi đến thất phải đi qua nút nhĩ thất.
Nếu nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu xảy ra do bất thường điện học của nhĩ thì gọi là nhịp nhanh nhĩ và ngoại tâm thu nhĩ, còn nếu do thất thì gọi là nhịp nhanh thất và ngoại tâm thu thất.
Nhịp tim chậm thì lại có thể do nút xoang chậm phát xung, tình trạng này đựơc gọi là nhịp chậm xoang. Ngoài ra, bất kì loại thuốc nào hay bệnh lý nào của đường dẫn truyền trong tim làm trì hoãn sự truyền xung (còn gọi là tình trạng "phong bế" tim) cũng có thể gây nhịp chậm.
Ngoại tâm thu là một nhát bóp "ngoại lai" gây ra bởi một xung động đột xuất và sớm hơn chu chuyển tim bình thường. Theo sau ngoại tâm thu là một khoảng nghỉ, đó là lúc hệ thống điện trong tim đang tự ổn định, điều chỉnh lại sau nhát bóp bất thường trước đó. Nhát bóp tiếp theo thường mạnh hơn, và chính nó gây cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.

Nhịp tim bình thường .

Nhịp tim bình thường ở người trưởng thành khi nghỉ ngơi là khoảng 60 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh hay chậm được quyết định bởi tốc độ phát xung của nút xoang dẫn nhịp. Ðầu tiên, nút xoang phát nhịp đến hai buồng tim ở trên - hai tâm nhĩ, nhĩ bóp, tống máu xuống hai buồng tim dưới - hai tâm thất. Khi xung truyền qua nút nhĩ thất, đến hai tâm thất, thất sẽ bóp để đưa máu đến những nơi khác của cơ thể. Tương ứng với một lần tim bóp, là một lần mạch ở ngoại vi nảy. Khi nghỉ ngơi, nút xoang phát nhịp chậm, thế nên nhịp tim chậm, ngược lại khi vận động hay khi bị kích động, nút xoang phát nhịp nhanh hơn và tim đập cũng nhanh hơn.
Nhịp tim nhanh do nút xoang được gọi là nhịp nhanh xoang. Nhịp nhanh xoang thường là đáp ứng sinh lý bình thường làm một quả tim khỏe mạnh đập nhanh hơn với một tình trạng bệnh lý nào đó như đau, sốt, tăng tiết hormon giáp, gắng sức, bị kích động, oxy máu thấp, uống cà phê hay một số loại thuốc khác như cocain, amphetamine, chứ không phản ánh một bệnh lý nào đó của cơ tim, van hay hệ dẫn truyền trong tim. Tuy nhiên, nhịp nhanh ở một số bệnh nhân khác lại là triệu chứng của suy tim, hay dấu hiệu của một bệnh van tim. Nhịp nhanh xoang có thể làm bệnh nhân có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực.

Triệu chứng của loạn nhịp tim.


Loạn nhịp tim chỉ mọi sai lệch về nhịp tim bình thường, có thể là sai lệch về tốc độ, hay xuất hiện các nhịp bất thường.
Một số bệnh nhân không hề hay biết về tình trạng loạn nhịp của mình. Một số khác ghi nhận cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, cảm thấy tim đập mạnh trong ngực, choáng váng, thở nông, đau ngực.
Dù nhịp nhanh hay chậm, thiếu máu não, thiếu máu mạch vành (để nuôi tim), hay bất kì cơ quan nào trong cơ thể cũng có thể xảy ra. Thiếu máu não gây choáng váng, nặng hơn có thể hôn mê. Thiếu máu vành gây đau ngực. Không đủ máu cho các cơ quan khác gây mệt mỏi, thở nông.

Nguyên nhân của loạn nhịp tim.
Có thể :
- Bệnh lý của cơ tim.
- Bệnh van tim.
- Bệnh mạch vành.
- Bệnh của hệ phát nhịp và dẫn truyền trong tim.
- Ngoài ra, còn có thể do dùng thuốc, do uống rượu, hút thuốc, tăng tiết hormon giáp, oxy máu thấp, stress.
Loạn nhịp tim do nhĩ
Bao gồm rung nhĩ, cuồng nhĩ, và nhịp nhanh kịch phát nhĩ. Ðó là do những rối loạn điện học của nhĩ, nút nhĩ thất, làm tim đập nhanh hơn.
Rung nhĩ là một loạn nhịp nhĩ thường gặp. Trong đó, nhiều xung động khác nhau được phát ra nhanh và loạn xạ từ nhiều ổ phát nhịp khác nhau ở nhĩ. Những nhịp bất thường này nhanh chóng lan truyền xuống thất, gây ra những co bóp không đều của thất. Rung nhĩ có thể do : nhồi máu cơ tim, cơn cao huyết áp, suy tim, bệnh van hai lá (như sa van hai lá), tăng tiết hormon giáp, cục máu đông trong mạch máu phổi (thuyên tắc phổi), uống nhiều rượu, khí phế thủng, viêm lớp màng ngoài của tim (viêm màng ngoài tim).
Cuồng nhĩ là một loại loạn nhịp nhĩ, nhưng chậm hơn và đều hơn rung nhĩ. Nguyên nhân rung nhĩ cũng là nguyên nhân của cuồng nhĩ, và việc điều trị cuồng nhĩ cũng tương tự rung nhĩ.
Những xung động từ một ổ lạc chỗ nào đó của tim, bị kích thích, phát ra và "cướp" quyền chỉ huy của nút xoang (do phát xung nhanh hơn hẳn nút xoang). Ðiều này gây ra nhịp nhanh kịch phát trên thất. Người ta cho rằng ở những bệnh nhân này có những bất thường của trạm nghỉ - nút nhĩ thất đã làm một vùng nào đó của nhĩ tự phát nhịp, để có thể "bắc cầu" đi qua nút nhĩ thất. Nguyên nhân của tình trạng này gồm : uống rượu, dùng quá nhiều hormon giáp, dùng cà phê, thuốc, stress. Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một loại loạn nhịp, trong đó bệnh lý là ở hệ dẫn truyền, còn cơ tim và van tim vẫn bình thường.
Loạn nhịp tim do thất .
Là loạn nhịp có nguồn gốc từ hai buồng tim ở phía dưới - hai tâm thất, gồm nhịp nhanh thất và rung thất. Nhịp nhanh thất là loạn nhịp nhanh nhưng đều, phát từ một ổ duy nhất của thất, trong khi đó rung thất là tình trạng thất không bóp nữa, mà từng bó cơ thất rung lên, co bóp khác nhau không đồng bộ, do những ổ ngoại vi trong thất phát xung loạn xạ. Cả hai trường hợp này đều là những loạn nhịp nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, thường liên quan đến nhồi máu cơ tim, hay từ các sẹo trên cơ tim gây ra từ một tổn thương tim trước đó.
Những nguyên nhân ít gặp hơn của loạn nhịp thất là : cơ tim bị suy yếu trầm trọng, ngộ độc thuốc (ngộ độc digoxin), tác dụng phụ của vài loạ thuốc. Và trớ trêu thay, một số thuốc dùng để điều trị loạn nhịp lại có thể gây nhịp nhanh thất.
Nhịp tim chậm
Có thể do : bệnh lý ở nút xoang, nút nhĩ thất, hệ dẫn truyền của thất. Thuốc ức chế kênh canxi, như verapamin (Calan), thuốc ức chế beta, như propanolon (Inderan), digoxin (Lanoxin) cũng có thể gây nhịp chậm. Nếu dùng thuốc này trên những bệnh nhân có sẵn những bệnh nêu trên có thể làm tiến triển tình trạng nhịp chậm càng nặng hơn. Mặc dù nhiều bệnh nhân bị nhịp chậm mà không có triệu chứng gì, nhưng nhịp chậm có thể làm nhiều bệnh nhân shock, tụt huyết áp và nặng hơn thì hôn mê.
Ngoại tâm thu.

Ðó là những nhịp "ngoại lai", không phải do nút xoang phát ra, gồm ngoại tâm thu thất và ngoại tâm thu nhĩ (cò gọi là ngoại tâm thu trên thất), thường không mang ý nghĩa bệnh lý.
Nguyên nhân do : stress, caffein, hút thuốc, uống rượu,
.
Ðánh giá bệnh nhân hồi hộp, đánh trống ngực .

Thực hiện lần lượt các bước sau :
Xác định các dấu hiệu của loạn nhịp tim.
Xác định loại loạn nhịp (điều này rất quan trọng vì việc điều trị các loại loạn nhịp khác nhau thì khác nhau).
Nếu nghĩ đến các bệnh lý của tim, cần thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý căn bản của tim như bệnh của cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh của hệ dẫn truyền.
Xét nghiệm máu : gồm đo nồng độ Natri, Kali, Mange, nồng độ hormon giáp, nồng độ thuốc (vd nồng độ digoxin). Sự tăng tiết hormon giáp quá mức hay khi Kai máu, Mange máu thấp đều có thể gây loạn nhịp tim. Ngộ độc digoxin có thể gây nhịp nhanh thất hay nhịp chậm thất rất nguy hiểm, nhất là khi có Mange hay Kali máu thấp kèm theo.
Ðiện tâm đồ :
- Điện tâm đồ thông thường đo hoạt động điện học của tim, được thực hiện trong thời gian ngắn, thực hiện dễ ở phòng khám bác sĩ. Nó chỉ phát hiện được những loạn nhịp xảy ra cùng lúc đang đo.
- Điện tâm đồ Holter được thực hiện liên tục, lưu động cùng bệnh nhân 24/24 nhằm phát hiện cơn loạn nhịp không triệu chứng. Cách này còn ghi nhận được các triệu chứng bất thường khác của tim. Nếu vẫn chưa "bắt" được cơn loạn nhịp thì bệnh nhân có thể đeo một monitor bên cạnh chừng 1 đến 2 tuần, mỗi khi bệnh nhân cảm giác sắp có cơn hồi hộp, thì chỉ cần bấm nút và ghi lại cơn đó, việc phân tích điện tâm đồ sau này là của thầy thuốc.
- Ðiện tâm đồ gắng sức, thực hiện khi bệnh nhân đang gắng sức thể lực như chạy xe, đi thảm lưu động. Nó đo điện tâm đồ của bệnh nhân khi gắng sức với các mức độ tăng dần, ngoài ra còn có thể phát hiện một tình trạng hẹp động mạch vành gây thiếu máu cơ tim.
Siêu âm tim : dùng sóng siêu âm để chụp các hình ảnh của buồng tim, van tim, và các cấu trúc lân cận. Siêu âm rất hữu ích giúp phát hiện các bệnh của van tim, như sa van hai lá, hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ (những bệnh van tim này có thể gây loạn nhịp tim, gây nhịp tim nhanh). Siêu âm tim còn giúp đánh giá các buồng tim, đánh giá khả năng co bóp tống máu của cơ tim nhất là tâm thất. Kết hợp siêu âm tim và điện tâm đồ gắng sức giúp phát hiện chính xác các bệnh lý của mạch vành, bởi vì trên điện tâm đồ đôi khi không phát hiện được những vùng cơ tim không được cung cấp đủ máu vì động mạch cấp máu cho nó đã hẹp.
Thông tim, chụp mạch máu cũng cần làm vì nó cũng giúp phát hiện bệnh lý mạch vành hay van tim khi dùng các phương pháp trên chưa thấy được. Dưới hướng dẫn của X quang, một ống nhỏ bằng plastic được đưa vào từ động mạch bẹn, đi ngược lên đến động mạch chủ, rồi vào hai nhánh chính của mạch vành tách ra từ động mạch chủ ngay tại van động mạch chủ. Sau đó, thuốc cản quang (thường là iode) được tiêm vào hệ thống động mạch, nó giúp hình ảnh của hệ động mạch ở đây được chụp rõ ràng hơn trên phim X quang. Ðây là một kỹ thuật giúp phát hiện rất chính xác và rõ ràng hệ mạch vành về phạm vi phân bố, cũng như đánh giá đầy đủ mức độ tổn thương của mạch vành.

Xử trí hồi hộp đánh trống ngực.

Hồi hộp, đánh trống ngực mà không do loạn nhịp hay bệnh lý nào của tim thì không đòi hỏi việc điều trị gì đặc hiệu. Có thể khuyên bệnh nhân tránh xúc động, hạn chế gắng sức khi có cơn đánh trống ngực.
Nếu do ngoại tâm thu, thì cơn hồi hộp có thể bớt khi hạn chế xúc động, ngưng hút thuốc, giảm uống rượu, cà phê. Vì nếu nồng độ adrenaline trong máu cao gây nhịp tim nhanh thì tránh stress có thể làm giảm nồng độ adrenaline.
Dùng thuốc ức chế beta cho những bệnh nhân có ngoại tâm thu hay nhịp tim nhanh dai dẳng, vì thuốc này phong bế tác dụng của adrenaline trên tim. Một số thuốc ức chế beta hay dùng là : propanolol (Inderal), metoprolol (Lopressor), atenolol (Ternomin). Tác dụng phụ của thuốc gồm : tán trợ cơn hen (làm cơn hen nặng hơn), chậm nhịp tim, tụt huyết áp, trầm cảm, mệt mỏi, bất lực.
Ðối với trường hợp nhịp nhanh nhĩ (rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất), thuốc ức chế kênh canxi như verapamin (Calan), thuốc ức chế beta như propanolol (Inderal), và digoxin (Lanoxin) được sử dụng. Hiệu quả của thuốc là làm giảm tần số co bóp của thất, đưa nút xoang trở về vai trò dẫn nhịp như bình thường. Nếu bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ kéo dài, phải dùng thêm quinidine, procainamide (Pronestyle) hay disopyramide (Norpace). Nhưng những thuốc này dù để chữa loạn nhịp tim nhưng lại có độc tính trên tim, chúng có thể gây rối loạn điện sinh trên tim, gây nhịp nhanh thất rất nguy hiểm.
Vì nguyên nhân chủ yếu của loạn nhịp do thất là nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim (khuyết dưỡng), và do những sẹo cũ của cơ tim gây ra, nên việc điều trị bệnh mạch vành rất quan trọng đối với những bệnh nhân này. Nếu bệnh kéo dài, cần dùng propanolol (Inderal), sotolol (Betapace), và amiodarone (Cardarone). Khi bệnh nhân bị rung thất nguy hiểm đến tính mạng thì cần cấy máy tạo nhịp vào tim, máy này có khả năng phát ra những xung điện đều đặn, để đưa nhịp tim về bình thường.
Cần điều trị các bệnh lý căn bản của tim nếu có. Bệnh nhân có hẹp van động mạch chủ có thể tiến triển thành suy tim nếu có nhịp nhanh thất. Ðiều trị hẹp chủ bằng cách phẫu thuật tạo hình van hay thay van nhân tạo, có thể cải thiện tình trạng bệnh.
Một số bệnh nhân có thể choáng váng, nặng hơn thì hôn mê, và họ cần gặp những chuyên gia sâu hơn về điện học của tim. Những chuyên gia này dùng một dụng cụ đặc biệt, kích thích tim phát nhịp để nghiên cứu thật chi tiết tình trạng điện học của tim.

Tóm tắt hồi hộp.

- Hồi hộp, đánh trống ngực có thể mang ý nghĩa bệnh lý hay không do một bệnh nào cả.
- Nút xoang là nút dẫn nhịp của tim
- Có thể có nhịp tim nhanh hay nhịp tim chậm.
- Trung bình tim đập 60-80 lần / phút.
- Một số bệnh nhân không có triệu chứng, một số khác lại thấy hồi hộp, đánh trống ngực, choáng váng, thở nông, hoặc đau ngực.
- Loạn nhịp tim có thể do bệnh của cơ tim, van tim, hệ dẫn truyền trong tim hay do mạch vành.
- Ðể đánh giá bệnh nhân có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực cần thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ cả loại thông thường lẫn điện tâm đồ gắng sức, diện tâm đồ Holter, và kỹ thuật chụp mạch vành.
- Hồi hộp đánh trống ngực có thể bớt nếu bệnh nhân tránh xúc động, hạn chế uống rượu, hút thuốc, cà phê, .
- Những trường hợp có bất thường thực sự về nhịp tim thì cần điều chỉnh bằng thuốc.

2 nhận xét:

Unknown nói...

Cảm ơn bạn đã chia sẻ, thông tin chia sẻ của bạn rất hữu ích. Nếu có ai đó bị mắc bệnh cao huyết áp hoặc một số bệnh về tim mạch thì mình nghĩ nên có một Máy đo huyết áp Omron giá rẻ tại hà nội để có thể theo dõi tình hình sức khỏe của mình chủ động và tốt hơn khi không có thời gian thường xuyên đến các cơ sở y tế.

Máy đo huyết áp tại nhà loại nào tốt nhất dễ sử dụng mà độ chính xác lại rất cao.

Tuy nhiên cũng có một vài câu hỏi thường gặp khi sử dụng máy đo huyết áp Omron các bạn có thể tham khảo: Máy đo huyết áp Omron và những điều cần biết !!!

Các bạn có thể xem giá và thông tin của các loại máy này trên thị trường ở địa chỉ: Thiết bị y tế giá rẻ Chuyên bán buôn và bán lẻ thiết bị y tế tại phố phương mai nên giá rất okie nhé !!!

Unknown nói...

bị vậy phải làm sao cho hết hả BS?



hạt hạnh nhân